Nhà đất vùng Đông Quảng Nam có đáng để đầu tư?

Nhiều khu vực tại vùng Đông Quảng Nam đang được quy hoạch thành những khu đô thị, công nghiệp và dịch vụ quy mô lớn, hứa hẹn sẽ tạo ra nhiều công ăn việc làm mới ở cho người dân trong và ngoài tỉnh, đồng thời cũng mở ra cơ hội phát triển mới cho thị trường nhà đất khu vực này.

25 nămthu hút 1.291 dự án

Năm 2021, quy mô kinh tế Quảng Nam đạt hơn 102.600 tỉ đồng, tương đương 4,5 tỉ USD, gấp 40 lần so với năm 1997 và đứng thứ 02/05 tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung.

Năm 2021, GRDP bình quân đầu người của Quảng Nam đạt 68 triệu đồng/năm, gấp 36 lần so với 1997, thu nhập bình quân đầu người đạt 45 triệu đồng, tăng 04 lần so với năm 2010.

Trong những năm đầu tái lập 1997 – 2000, cơ cấu nền kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp, du lịch, dịch vụ. Tỷ trọng nông nghiệp giảm từ 50% (năm 1996) xuống 41,5% (năm 2000); tăng tỷ trọng phi nông nghiệp từ 50% lên 58,5%.

Giai đoạn 2001 – 2010, cơ cấu kinh tế có bước chuyển rõ nét, từ thuần nông sang công nghiệp, dịch vụ.

Tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ trong GRDP tăng từ 58,47% (năm 2000) lên 82% (năm 2010); nông nghiệp giảm từ 41,5% xuống còn 19%.

Giai đoạn 2011 – 2020, kinh tế phát triển toàn diện và đạt nhiều kết quả quan trọng, quy mô, tiềm lực nền kinh tế tiếp tục tăng lên.

Tính đến thời điểm năm 2020, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, khu vực nông, lâm, thủy sản chiếm 14,45%; khu vực phi nông nghiệp chiếm 85,55%.

Trong đó, ngành công nghiệp – xây dựng giữ vai trò quan trọng, là động lực chính trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Ngành công nghiệp ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đóng góp lớn vào thu ngân sách và đảm bảo an sinh xã hội.

Đến hết năm 2021, trên địa bàn tỉnh có hơn 8.100 doanh nghiệp đang hoạt động, số doanh nghiệp đăng ký thành lập tăng đều qua các năm.

Giai đoạn 2017-2021, trung bình mỗi năm có khoảng 1.250 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 135 doanh nghiệp/năm, với tốc độ tăng bình quân 11,3%/năm.

Đến năm 2021, tổng số lao động trong các cơ sở kinh doanh của khu vực tư nhân khoảng 300.000 lao động, bao gồm khu vực doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể.

Thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam cho biết, từ năm 1997 đến nay, tỉnh Quảng Nam thu hút được 1.291 dự án. Trong đó có 1.126 dự án sản xuất, kinh doanh và 165 dự án nhà ở, khu dân cư, khu đô thị.

Cơ hội cho vùng Đông Quảng Nam

Vùng Đông Quảng Nam là nơi có nhiều điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế xã hội nhờ có vị trí đắc địa với đường bờ biển dài 125 km, có hệ thống sân bay, cảng biển, đường quốc lộ, cao tốc kết nối đồng bộ, thông suốt theo chiều Bắc – Nam và Đông – Tây.

Đặc biệt hơn, vùng Đông Quảng Nam hiện là khu vực có 2 di sản văn hóa thế giới là đô thị cổ Hội An, khu thánh địa Mỹ Sơn, khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm. Đây là những động lực quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển dịch vụ, du lịch tại miền Trung nói chung và tỉnh Quảng Nam nói riêng.

Tại khu vực vùng Đông Quảng Nam hiện có nhiều dự án lớn trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, dịch vụ,….

Các dự án đầu tư có quy mô lớn đã và đang triển khai đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Nam như Trung tâm Phát triển nông nghiệp Thadi – Chu Lai của Công ty cổ phần sản xuất chế biến và phân phối nông nghiệp Thadi với vốn đầu tư 3.000 tỉ đồng; đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp của Công ty cổ phần ô tô Trường Hải với vốn đầu tư 2.095 tỉ đồng; khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng Vinpearl Nam Hội An của Tập đoàn VinGroup với vốn đầu tư 4.800 tỉ đồng;…

Bên cạnh các dự án đầu tư trong nước, Quảng Nam cũng là địa phương thu hút sự quan tâm đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài.

Hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có một số dự án FDI lớn như, Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An của Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An (Singapore) có tổng vốn đầu tư 4 tỉ USD, Nhà máy sản xuất vải mành của Công ty TNHH Hyosung Việt Nam (Hàn Quốc) với tổng vốn đầu tư hơn 200 triệu USD, Nhà máy dệt may và phụ liệu dệt may của Công ty TNHH Panko Tam Thăng (Hàn Quốc) có tổng vốn 70 triệu USD;…

Khu vực vùng Đông Quảng Nam cũng là nơi có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang hoạt động hiệu quả, giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động ở trong và ngoài tỉnh, như khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc, Khu công nghiệp Tam Thăng, cụm công nghiệp An Lưu, cụm công nghiệp Trảng Nhật,…

Bên cạnh những dự án đã và đang triển khai đầu tư xây dựng, Quảng Nam đang xúc tiến các thủ tục về quy hoạch, hồ sơ đề xuất đầu tư các dự án khu công nghiệp, khu đô thị dịch vụ – du lịch mới tại vùng Đông của tỉnh.

Đơn cử như quy hoạch Khu công nghiệp công nghệ cao Thăng Bình thuộc Khu kinh tế mở Chu Lai, tại các xã Bình Sa, Bình Tú, Bình Triều thuộc huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.

Quy mô lập quy hoạch khu công nghiệp công nghệ cao Thăng Bình có diện tích khoảng 317 ha với tổng số người lao động toàn khu công nghiệp khoảng 25.000 người.

Hay khu công nghiệp Nam Thăng Bình có quy mô 655ha; Khu công nghiệp Tam Anh 2 quy mô 435,8 ha; khu công nghiệp cơ khí ô tô Chu Lai Trường Hải mở rộng; khu công nghiệp Tam Thăng mở rộng; khu công nghiệp Tam Anh – An An Hòa;…

Bên cạnh đó còn có quy hoạch khu đô thị Tây Bắc sân bay Chu Lai; Khu dân cư đô thị, dịch vụ, du lịch Tam Hòa – Tam Tiến; Khu phi thuế quan gắn với Khu bến cảng Tam Hòa.

Đặc biệt, tỉnh Quảng Nam cũng đang lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh quy hoạch chung thị xã Điện Bàn; điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hội An;….

Thực tiễn nhiều quy hoạch mới đang được Quảng Nam xúc tiến triển khai hứa hẹn sẽ mở ra cơ hội phát triển mới cho việc phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch trên địa bàn tỉnh, nhất là tại khu vực vùng Đông.

Và trong dài hạn

Ngày 30/9/2022, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Quyết định số 2609/QĐ-UBND về việc phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất và diện tích chuyển mục đích sử dụng đất đến năm 2030 của tỉnh Quảng Nam cho các huyện, thị xã, thành phố.

Theo quyết định vừa được phê duyệt, diện tích đất khu công nghiệp, thương mại – dịch vụ, đất ở được phân bổ tập trung chủ yếu tại các địa phương thuộc vùng Đông của tỉnh, gồm thị xã Điện Bàn, thành phố Hội An, thành phố Tam Kỳ, huyện Duy Xuyên, huyện Thăng Bình và huyện Núi Thành.

Từ đó đã hé mở những định hướng phát triển mới về công nghiệp, dịch vụ, du lịch tại từng địa phương thuộc khu vực này trong thời gian tới.

Theo đó, quy hoạch đến năm 2030, thị xã Điện Bàn được phân bổ 1.869ha đất ở tại nông thôn; 2.664ha đất ở tại đô thị; 357ha đất khu công nghiệp; 356ha đất cụm công nghiệp; 425ha đất thương mại, dịch vụ.

Quy hoạch đến năm 2030, thành phố Hội An được phân bổ 382ha đất ở tại nông thôn; 657ha đất ở tại đô thị; 297ha đất thương mại, dịch vụ.

Song song với đó, thành phố Tam Kỳ được phân bổ 294ha đất ở tại nông thôn; 834ha đất ở tại đô thị; 365ha đất khu công nghiệp; 129ha đất thương mại, dịch vụ.

Tương tự, huyện Duy Xuyên được phân bổ 2.116ha đất ở tại nông thôn; 529ha đất ở tại đô thị; 236ha đất cụm công nghiệp; 237ha đất thương mại, dịch vụ.

Bên cạnh huyện Duy Xuyên, huyện Thăng Bình cũng được phân bổ diện tích lớn về đất ở với 3.194ha đất ở tại nông thôn; 402ha đất ở tại đô thị; 294ha đất khu công nghiệp; 284ha đất cụm công nghiệp; 299ha đất thương mại, dịch vụ.

Cuối cùng là huyện Núi Thành được phân bổ với 1.744ha đất ở tại nông thôn; 945ha đất ở tại đô thị; 2.295ha đất khu công nghiệp; 191ha đất cụm công nghiệp; 268ha đất thương mại, dịch vụ.

Ngày 26/8/2022, ông Lê Trí ThanhChủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ký Quyết định số 2239/QĐ-UBND về việc quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Theo đó, Quảng Nam sẽ tập trung xây dựng thành phố Tam Kỳ và thành phố Hội An theo hướng đô thị thông minh vào năm 2025.

Tỉnh sẽ tiếp tục hoàn chỉnh mô hình phát triển đô thị tỉnh Quảng Nam theo mô hình các cụm đô thị động lực và các hành lang đô thị hóa, đồng thời phát huy vai trò động lực của các cụm đô thị phía Đông và nhiệm vụ ổn định, kết nối đồng bộ của các đô thị vùng Tây.

Đơn cử, về phía Đông, tại cụm đô thị động lực số 1, tỉnh sẽ phát triển đô thị Hội An thành đô thị đặc thù tương đương tiêu chí đô thị loại II; Điện Bàn thành đô thị loại III, hướng đến là thành phố trực thuộc tỉnh giai đoạn 2025 – 2030; tiếp tục xây dựng và hướng đến các tiêu chí đô thị loại IV cho thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc.

Tại Cụm động lực số 2 sẽ hình thành 03 đô thị mới (Duy Hải – Duy Nghĩa; Bình Minh và Bình Hải) là đô thị loại V giai đoạn 2025 – 2030 và từng bước kết nối, hình thành chuỗi đô thị hai bên sông Trường Giang từ Duy Xuyên đến Thăng Bình đạt các tiêu chí đô thị loại II giai đoạn 2035 – 2045 theo hướng đô thị du lịch, dịch vụ cấp vùng.

Tại cụm động lực này, tỉnh cũng tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại IV cho thị trấn Nam Phước, thị trấn Hà Lam, thị trấn Đông Phú; xây dựng huyện Duy Xuyên hướng đến là thị xã vào năm 2030.

Đối với Cụm động lực số 3, Quảng Nam sẽ hình thành chuỗi đô thị phía Nam gồm Phú Ninh, Tam Kỳ, Núi Thành, lấy Tam Kỳ làm trung tâm, định hướng xây dựng đô thị loại I trực thuộc tỉnh.

Song song với đó, phấn đấu xây dựng thành phố tỉnh lỵ Tam Kỳ cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại I vào năm 2025; khu vực Tam Kỳ – Núi Thành – Phú Ninh xây dựng theo hướng đô thị sinh thái, thông minh và đạt tiêu chí đô thị loại I vào năm 2030.

Theo cafeland.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *