Huy động nguồn lực xây dựng đô thị Tam Kỳ

Tam Kỳ xác định mục tiêu hướng đến đô thị loại I vào năm 2025 và đạt tiêu chí đô thị loại I vào năm 2030. Nguồn lực nào để thực hiện mục tiêu này?

Huy động nguồn lực

Sau 15 năm đảm nhận vai trò thành phố tỉnh lỵ, Tam Kỳ đã tận dụng khá tốt tiềm năng, lợi thế, tranh thủ mọi sự hỗ trợ để phát triển kinh tế – xã hội. Thời gian qua, địa phương tập trung đầu tư hoàn thiện và nâng cấp các tiêu chí đô thị loại II, qua đó hướng đến mục tiêu xây dựng đô thị loại I.

Đánh giá kết quả đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020, UBND thành phố cho biết, nguồn vốn thực hiện vượt kế hoạch với hơn 1.754 tỷ đồng. Nhờ đó, hạ tầng giao thông, đô thị, nhất là các trục chính đô thị, tuyến đường trọng điểm như Bạch Đằng, N10, ĐT616, Điện Biên Phủ đã được đầu tư xây dựng, nâng cấp, khớp nối, giúp bộ mặt đô thị khang trang hơn.

Tam Kỳ giờ đây bước sang giai đoạn mới với nhiệm vụ xây dựng đô thị loại I. Đây sẽ là hành trình dài và theo Nghị quyết 08 (4.5.2021) của Tỉnh ủy, đến năm 2025 cơ bản đạt tiêu chí của đô thị loại I và đến năm 2030 hoàn thành tiêu chí đô thị loại I.

Nghị quyết cũng nhấn mạnh đến trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và người dân toàn tỉnh, trong đó các địa phương lân cận cùng hợp tác trong quy hoạch phát triển đô thị, liên kết vùng.

Tuy nhiên, thực hiện nhiệm vụ này, trước hết Tam Kỳ phải vào cuộc mạnh mẽ, tạo sự đột phá trong đầu tư phát triển. Vì vậy, không ngạc nhiên với kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm (2021 – 2025) của thành phố “hoành tráng” hơn nhiều so với giai đoạn trước đó qua con số nguồn vốn lên đến 3.569 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ – ông Bùi Ngọc Ảnh chia sẻ, bên cạnh quyết tâm của địa phương, rất cần sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh, sự giúp đỡ, hỗ trợ của các sở, ban, ngành cùng các địa phương. Song song với việc ưu tiên nguồn đầu tư phát triển trong cân đối ngân sách của địa phương, thành phố sẽ tích cực huy động nguồn lực, nhất là sự hỗ trợ của tỉnh nhằm giúp tạo bước bứt phá trong thu hút đầu tư.

Vì vậy, ngoài những công trình tỉnh đã đưa vào danh mục đầu tư công 2021 – 2025 như kè chống sạt lở kết hợp đường cảnh quan ven sông Tam Kỳ, đường Hùng Vương, đường N24, cảnh quan ven sông Bàn Thạch…(với tổng mức đầu tư 1.565 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh 754 tỷ đồng), thành phố còn mong muốn tỉnh quan tâm đẩy mạnh, ưu tiên đầu tư các dự án sử dụng nguồn ngân sách Trung ương, nguồn vốn ODA, nguồn ngân sách tỉnh đầu tư các dự án hạ tầng khung nhằm chống biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, hạ tầng kỹ thuật (với tổng mức đầu tư dự kiến gần 10.000 tỷ đồng).

Tập trung hoàn thiện hạ tầng

Tại kỳ họp HĐND thành phố mới đây, phân tích về nguồn vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2021 – 2025 trong cân đối ngân sách của thành phố, Trưởng phòng Tài chính – Kế hoạch thành phố – ông Nguyễn Quang Tuấn cho biết nguồn thu tiền sử dụng đất 2.000 tỷ đồng, nguồn trung ương, tỉnh bổ sung theo cơ chế đầu tư xây dựng đô thị loại I dự kiến là 1.000 tỷ đồng, nguồn ngân sách tập trung 133 tỷ đồng, nguồn tiền thuê đất, vượt thu, bán nhà sở hữu nhà nước khoảng 200 tỷ đồng…

Lý giải thêm về nguồn vốn tăng, ông Tuấn nói chủ yếu là từ nguồn thu tiền sử dụng đất (gồm thu tiền sử dụng đất của thành phố và nguồn trích lại theo cơ chế khi các doanh nghiệp đầu tư các dự án nhà ở trên địa bàn) và nguồn tỉnh bổ sung theo cơ chế đầu tư xây dựng đô thị loại I.

Nói về với con số 3.569 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương cho đầu tư phát triển giai đoạn 2021 – 2025, tăng hơn gấp đôi so với giai đoạn 5 năm trước, ông Lê Hoài Ngọc – Trưởng ban Kinh tế xã hội HĐND TP.Tam Kỳ cho rằng “có cơ sở và có tính khả thi đảm bảo được cân đối ngân sách thành phố”.

Quan điểm, định hướng đầu tư của thành phố đã thay đổi. Đã qua rồi thời đầu tư dàn trải (nhưng không “đến đầu đến đũa”, song cũng nên chia sẻ vì nguồn vốn hạn chế trong khi nhu cầu quá lớn), giờ là lúc trung tâm tỉnh lỵ cần được đầu tư tập trung theo hướng “đâu ra đó” nhằm hướng đến mục tiêu đô thị loại I. Trong đó, ưu tiên tập trung xây dựng, khớp nối, hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng đô thị, các khu dân cư, tái định cư để phục vụ giải phóng mặt bằng, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội.

Điều này đã được thể thể hiện rõ trong nghị quyết HĐND thành phố về kế hoạch đầu công giai đoạn tới, khi nguồn vốn dành phần lớn cho hạ tầng đô thị, giao thông, thoát nước với 1.200 tỷ đồng (chiếm hơn 33% tổng nguồn vốn), hạ tầng các khu dân cư 1.170 tỷ đồng (32% tổng nguồn vốn).

Theo QNO

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *