Qua hơn 1 năm với rất nhiều hội thảo, công bố rộng rãi lấy ý kiến nhân dân, đồ án Quy hoạch chung TP.Tam Kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã hoàn chỉnh và vừa được báo cáo trước UBND tỉnh lần cuối trước khi trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
“Thủ phủ xanh”
Với vị trí chính trị cộng với điều kiện tự nhiên đặc thù, TP.Tam Kỳ được quy hoạch phát triển thành đô thị thủ phủ xanh. Theo các chuyên gia, Tam Kỳ có các yếu tố tự nhiên rất đặc trưng, sở hữu 5 con sông (gồm sông Trường Giang, Tam Kỳ, Bàn Thạch, Sông Đầm và sông Kỳ Phú), 5 ngọn núi (gồm núi Dài, núi Cấm, núi Baty, đồi An Hà, đồi Trà Cai). Ngoài ra, thành phố còn được nuôi dưỡng bởi bờ biển dài, đồng ruộng trù phú, liên kết với nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng như hồ Phú Ninh, địa đạo Kỳ Anh, tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng. Do đó, ý tưởng quy hoạch đô thị Tam Kỳ thành “thủ phủ xanh” ngay từ đầu đã được nhiều người ủng hộ. Theo KTS Nguyễn Tấn Vạn – nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, xây dựng đô thị xanh là xu hướng tất yếu không chỉ của TP.Tam Kỳ bởi những yếu tố thuận lợi của địa phương mà đây cũng là xu hướng chung của thế giới hiện nay.
Khu vực trung tâm thành phố hiện nay đang phát triển khá lộn xộn và cảnh quan không đồng bộ. Cùng với phát triển đô thị xanh, việc mở rộng đô thị về phía đông sông Bàn Thạch và sông Tam Kỳ nhằm sử dụng đất hiệu quả là yêu cầu cần thiết và hợp lý, đồng thời phát huy tốt những “lá phổi” từ các hồ, sông, đầm, núi vốn là “đặc sản” của TP.Tam Kỳ. Tuy vậy, khu vực này nằm ở vùng trũng thấp, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi tình trạng ngập nước. Theo kết quả nghiên cứu từ các nhà tư vấn, giải pháp “trị thủy” được thống nhất là tiến hành mở rộng và nạo vét lòng sông Bàn Thạch và Tam Kỳ; đồng thời nâng cốt nền, xây dựng đê (cũng là đường giao thông) bên trái sông Bàn Thạch. Riêng sông Trường Giang cần tiếp tục nghiên cứu để đưa ra giải pháp trị thủy hợp lý theo hướng xây dựng bờ kè.
Rõ ràng việc phát triển thành đô thị xanh, đô thị thông minh là đúng đắn và cần thiết đối với TP.Tam Kỳ trong tương lai. Có thể hình dung, TP.Tam Kỳ hiện nay sẽ được kết nối với khu đô thị mới phía bên kia sông Bàn Thạch và kéo dài cho đến tận biển Tam Thanh. Đó sẽ là một đô thị “thủ phủ xanh”, đô thị cộng sinh môi trường được bao bọc bởi núi, biển, sông, hồ và đồng ruộng, trở thành địa điểm lý tưởng thu hút nhiều người tìm đến an cư.
Những “điểm nhấn”
Mở rộng không gian đô thị về phía đông với nhiều phân khu chức năng được coi là giải pháp đột phá để TP.Tam Kỳ phát triển, đáp ứng yêu cầu xây dựng đô thị xanh. Tuy nhiên, sẽ là đô thị “chết” nếu không đưa trung tâm hành chính của thành phố về đây. Vì vậy, sau nhiều lần cân nhắc trước 3 phương án mà nhà tư vấn đưa ra, cuối cùng, trung tâm hành chính thành phố sẽ được bố trí ở ven trục đường Lê Thánh Tông đối diện với hồ Sông Đầm, gần trụ sở Ban Quản lý Khu Kinh tế mở Chu Lai. Khu vực này đảm bảo về mặt trị thủy do có cốt nền cao, hơn nữa việc tạo dựng trung tâm hành chính thành phố ở địa điểm này còn trở thành động lực phát triển cho khu vực ven đường Lê Thánh Tông và toàn bộ khu đô thị mới. Đây chính là “điểm nhấn” đặc biệt trong quy hoạch, phát triển TP.Tam Kỳ, mở ra hy vọng cho sự phát triển mạnh mẽ của vùng đông.
Một “điểm nhấn” đáng chú ý khác là xây dựng các trục đường giao thông gắn với hình thành các trục kinh tế – xã hội. Theo đồ án quy hoạch, bên cạnh các trục giao thông đối ngoại và liên kết vùng còn có 2 tuyến đường rất quan trọng sẽ được đầu tư “chăm sóc” khá kỹ là đường Lê Thánh Tông (theo hướng bắc – nam) và đường Điện Biên Phủ (theo hướng đông – tây). Ngoài là trục “xương sống” của thành phố, liên kết giữa đô thị hiện hữu và đô thị mới, nơi giao nhau của rất nhiều phương tiện giao thông, đường Điện Biên Phủ còn được coi là trục thương mại, dịch vụ – biểu tượng cho sự phát triển của thành phố. Trong khi đó, đường Lê Thánh Tông được quy hoạch trở thành trục tri thức. Đây là nơi sẽ tập trung trường đại học, các trung tâm đào tạo nhân lực, khu công nghiệp công nghệ cao, công trình hành chính thành phố, văn phòng. Theo KTS. Hoàng Sừ – Phó Giám đốc Sở Xây dựng, quy hoạch xây dựng trục tri thức là rất sáng tạo, còn trục thương mại cần ưu tiên đầu tư để kết nối đô thị hiện tại với đô thị mới. Đối với xây dựng đô thị cần phải xác định rõ tiêu chí “xanh”, “thông minh”, khu vực nội thị, ngoại thị để thuận lợi trong việc tập trung đầu tư phát triển.
Đồ án quy hoạch cũng đưa ra quan điểm, để phát triển TP.Tam Kỳ theo hướng bền vững và hấp dẫn, không chỉ phát triển để mở rộng đô thị mà còn nâng cao sức hấp dẫn, sự nhộn nhịp trong khu trung tâm hiện hữu. Do đó, cần quy hoạch hình thành khu đô thị trung tâm tích hợp các chức năng đa dạng xứng tầm thủ phủ gồm hành chính, tiền tệ, thương mại, y tế, giáo dục. Nói chung, mục tiêu của đồ án quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là xây dựng TP.Tam Kỳ phát triển bền vững trên cơ sở đảm nhiệm các chức năng chủ yếu như là trung tâm chính trị hành chính, kinh tế, văn hóa giáo dục, nghiên cứu khoa học của tỉnh Quảng Nam; hỗ trợ cho các trọng điểm kinh tế và đô thị gồm Khu Kinh tế mở Chu Lai, TP.Hội An.
Theo QNO