Tăng nguồn thu
Năm 2022 là một năm khó khăn trong công tác thu ngân sách của TP.Tam Kỳ. Thu phát sinh kinh tế trên địa bàn chỉ đạt mức khiêm tốn hơn 86% dự toán tỉnh và 84% dự toán HĐND thành phố; trong đó phần thành phố quản lý thu có khả quan hơn với 104% dự toán tỉnh và 95% dự toán HĐND thành phố.
Trưởng phòng Tài chính – Kế hoạch thành phố, ông Nguyễn Quang Tuấn cho rằng, nguyên nhân là những khoản thu chiếm tỷ trọng lớn không đạt chỉ tiêu, như thuế ngoài quốc doanh (chỉ đạt 88% dự toán tỉnh), tiền sử dụng đất (86% dự toán HĐND thành phố). “Tỉnh giao dự toán thu thuế ngoài quốc doanh cao và do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, một số doanh nghiệp có số doanh thu lớn thu hẹp sản xuất, thậm chí ngừng kinh doanh. Trong khi đó, năm 2022 thành phố chủ yếu dành quỹ đất để bố trí tái định cư cho các hộ dân giải tỏa trắng, quỹ đất đấu giá rất ít nên số thu hạn chế. Ngoài ra, công tác giải phóng mặt bằng vướng mắc nên chưa thực hiện bố trí tái định cư, chưa thu được tiền sử dụng đất” – ông Tuấn phân tích.
Trong khi chờ cơ chế, chính sách đặc thù, Tam Kỳ đã chủ động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng nhằm thu hút đầu tư sản xuất, kinh doanh, kể cả hạ tầng đô thị, nhà ở đô thị.
Theo kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2023, thành phố bố trí gần 636 tỷ đồng cho các công trình, dự án, tăng 23,5% so với năm 2022 và bằng 158% kế hoạch tỉnh giao năm 2023. Trong số này, chủ yếu là nguồn thu sử dụng đất, bao gồm 350 tỷ đồng thu sử dụng đất năm 2023, 165 tỷ đồng chuyển nguồn và 85 tỷ đồng do tỉnh quản lý thu điều tiết.
Năm 2023 dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức; dù vậy, để có nguồn lực đầu tư nhằm tạo ra bước đột phá mới, Tam Kỳ đặt quyết tâm rất lớn trong việc đa dạng hóa nguồn thu, tăng thu, giảm nợ đọng, chống thất thu thuế. Cụ thể, thu phát sinh kinh tế do thành phố quản lý phấn đấu tăng 115% dự toán tỉnh giao (tỉnh giao 612 tỷ đồng, thành phố đề ra chỉ tiêu thu 705 tỷ đồng) và 116% so với thực hiện năm 2022.
Ngoại trừ lệ phí trước bạ thấp hơn số thực hiện năm 2022 do dự báo lượng xe ô tô bán ra chững lại, thị trường bất động sản tiếp tục bị đóng băng; còn lại các khoản thu khác đều gia tăng. Ông Tuấn cho biết, hai khoản thu lớn là tiền sử dụng đất dự toán thu 350 tỷ đồng (tỉnh giao 280 tỷ đồng) và thuế ngoài quốc doanh 168 tỷ đồng (tỉnh giao 163 tỷ đồng).
Thành phố ưu tiên các dự án khu dân cư, tái định cư tạo ra nguồn vốn để đầu tư các dự án. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ triển khai phương án bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất với 9 cơ sở đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Chờ cơ chế đặc thù
Ông Bùi Ngọc Ảnh – Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ, cho hay một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023 là tăng cường phối hợp với các sở, ngành của tỉnh hoàn thành đề án quy định về cơ chế, chính sách đặc thù xây dựng phát triển đô thị loại I trình UBND tỉnh.
Với cơ chế đặc thù đủ mạnh, đây được coi là “chìa khóa” mở ra sự phát triển, mang lại đột phá trong công cuộc đầu tư xây dựng đô thị Tam Kỳ theo tinh thần Nghị quyết 08 (4/5/2021) của Tỉnh ủy.
Đồng thời, địa phương tiếp tục đề xuất tỉnh bổ sung danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 những dự án hạ tầng khung, có tính chất động lực, các dự án hạ tầng quan trọng trên địa bàn. Ngoài ra, rất cần sự hỗ trợ nguồn lực của tỉnh để đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là các dự án khớp nối đô thị đang được triển khai trong thời gian qua.
Để thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2023 đạt kết quả, nhiều giải pháp đã được thành phố đề ra như tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ dự án, kiểm soát chặt chẽ các nguồn vốn.
Trong đó, các dự án trọng điểm cần được quan tâm hơn như đường bao Nguyễn Hoàng, đường nối khu dân cư số 6 đến khu phố mới Tân Thạnh, đường Bạch Đằng, đường N10, các dự án khớp nối hạ tầng đô thị…
Quyết tâm tạo bứt phá trong năm 2023, Bí thư Thành ủy Trần Nam Hưng nhấn mạnh thêm, thành phố tập trung thực hiện 7 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó chủ động phối hợp với các sở, ngành xây dựng đề án sáp nhập 3 đơn vị hành chính Tam Kỳ, Núi Thành, Phú Ninh gắn với cơ chế đặc thù xây dựng, phát triển đô thị loại I; đẩy mạnh thu hút đầu tư, thúc đẩy thực hiện 2 đồ án thoát nước, phòng chống ngập lụt…
Theo QNO