Quy hoạch không gian mở
Các đồ án quy hoạch xây dựng chung của tỉnh luôn nhất quán đặc điểm mở rộng không gian phát triển kinh tế không tách rời không gian đô thị. Sự đan xen, đa dạng trong quy hoạch các lĩnh vực giúp nhiều địa phương thực hiện tốt ý đồ quy hoạch chung, quy hoạch chức năng. Khi đồ án quy hoạch chung, quy hoạch xây dựng chi tiết được cấp có thẩm quyền phê duyệt đều công bố minh bạch.
Tại các dự án vùng đông, nhiều năm nay, chính quyền, cơ quan chức năng các cấp siết chặt quản lý hiện trạng đất đai, cấm xây dựng, cơi nới nhà ở, tách thửa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Nguyên tắc xuyên suốt là tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thống nhất chặt chẽ từ cấp tỉnh đến huyện, xã.
Quảng Nam quy hoạch đồng đều các vùng, đa ngành, đa lĩnh vực, nhưng sự thành công rõ nhất là quy hoạch không gian kinh tế – đô thị biển; xây dựng được hành lang kinh tế đông – tây. Giai đoạn 2016 – 2020, nhiều địa phương đã hoàn thiện hạ tầng, quản lý và phát triển đô thị theo mô hình đô thị xanh, đô thị thông minh, đô thị sinh thái hướng đến phát triển bền vững, bảo vệ cảnh quan tự nhiên, hình thành các đô thị có bản sắc.
KTS. Ngô Ngọc Hùng – Phó Giám đốc Sở Xây dựng khẳng định: “Đến nay, chúng ta đã có quy hoạch xây dựng vùng (vùng tỉnh, liên huyện, vùng huyện); hầu hết đô thị đã lập quy hoạch chung và nằm trong kế hoạch chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh”.
Sở Xây dựng cũng đã triển khai ứng dụng Hệ thống thông tin địa lý (GIS) để phục vụ công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực quy hoạch xây dựng, qua đó giúp cơ quan lập quy hoạch, chủ đầu tư dự án thực hiện nghiêm túc Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị. Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) đánh giá, hệ thống đô thị của tỉnh hỗ trợ rất lớn cho các khu kinh tế, khu công nghiệp. Quảng Nam là một trong số ít các tỉnh Nam Trung Bộ sớm lập đầy đủ quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh.
Quy hoạch không gian mở không có nghĩa là không xảy ra xung đột giữa phát triển công nghiệp với du lịch, đô thị. Đơn cử, Khu kinh tế mở Chu Lai là trung tâm phát triển lớn của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, nhưng cũng là khu vực phát triển đô thị. Khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc (Điện Bàn) phát triển xen kẽ giữa đô thị và du lịch. Chính điều này phát sinh hệ lụy quá tải hạ tầng giao thông, thiếu thiết chế xã hội như nhà ở, trường học, bệnh viện và đặc biệt là vấn đề xử lý môi trường do các khu công nghiệp tác động đến đô thị và du lịch. Đây là vấn đề cần phải được giải quyết, bởi, bản chất của quy hoạch là không được xảy ra chồng chéo, xung đột không gian phát triển.
Không chia cắt cục bộ
Hệ thống đô thị ở duyên hải miền Trung phát triển theo mô hình tuyến dải song song với biển. Đó là chuỗi đô thị ven biển gồm Thừa Thiên Huế, Chân Mây, Đà Nẵng, Tam Kỳ, Chu Lai – Kỳ Hà, Vạn Tường, Quảng Ngãi và TP.Quy Nhơn. Trong đó, TP.Đà Nẵng là đô thị hạt nhân.
Tại Quảng Nam, hình thành rõ nét 3 cụm động lực đô thị. Cụm động lực số 1 gồm Tam Kỳ – Núi Thành – Phú Ninh, trong đó Tam Kỳ làm trung tâm, định hướng đô thị loại 1 tương lai; cụm động lực số 2 hình thành 3 đô thị mới (Duy Hải – Duy Nghĩa, Bình Minh và Bình Hải) từng bước kết nối hình thành chuỗi đô thị Nam Hội An kết hợp với quy hoạch sắp xếp dân cư ven biển đạt các tiêu chí đô thị loại 4 theo hướng đô thị du lịch, dịch vụ cấp vùng. Trong khi đó, phía tây tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn thành các tiêu chí đối với đô thị loại 5. Từng bước đầu tư Thạnh Mỹ, Khâm Đức, Trà My trở thành đô thị trung tâm vùng, tạo lan tỏa kết nối với Khu kinh tế Cửa khẩu Nam Giang.
Khi quy hoạch đô thị, Quảng Nam đã tạo ra chuỗi liên vùng “mắt xích” với đô thị Đà Nẵng và các đô thị ở Quảng Ngãi, khai thác lợi thế triệt để về hạ tầng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Vùng đông là vệt hạ tầng giao thông tương đối đồng bộ (quốc lộ 1, đường cao tốc, đường ven biển, đường sắt…); vùng tây Quảng Nam tạo mối liên kết phát triển giữa vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với các nước Lào, Thái lan, Myanmar thông qua cửa khẩu Nam Giang – Đắc Tà Oóc; kết nối các trung tâm phát triển trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với khu vực Tây Nguyên.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, nhiều quy hoạch xây dựng của Quảng Nam rất có chất lượng, đi đúng ý đồ phát triển chuỗi đô thị ven biển (đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc, đô thị Nam Hội An, Tam Kỳ, Chu Lai – Núi Thành), làm khung động lực cho sự phát triển của toàn vùng. Đặc biệt, đô thị không bị chia cắt cục bộ mà có sự tương tác hỗ trợ trong phát triển.
UBND tỉnh cho biết, trong quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và quy hoạch không gian đô thị, phải loại bỏ các quy hoạch chồng chéo, ảnh hưởng đến đầu tư phát triển. Đồng thời giải quyết các vấn đề xung đột về không gian trên địa bàn tỉnh hiện nay và định hướng không gian cho các nhu cầu phát triển trong tương lai trên cơ sở huy động hợp lý các điều kiện bên trong và thu hút nguồn lực bên ngoài. Phải thống nhất và đồng bộ trong quy hoạch.
“Trung thành” với đô thị sinh thái
Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ – Nguyễn Minh Nam về định hướng phát triển đô thị Tam Kỳ 5 năm đến. Theo ông Nam, trong nhiều giải pháp để đưa Tam Kỳ hoàn thành tiêu chí của đô thị loại 1 vào năm 2025, địa phương xác định tiếp tục đầu tư hệ thống cây xanh ở vùng đồi núi, ven sông, đầm, hồ và các không gian công cộng, đặc biệt bảo tồn phát triển hệ sinh thái Sông Đầm… Triển khai xây dựng hoàn thành dự án đô thị thông minh từ nguồn viện trợ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc – KOICA (10 triệu USD), bao gồm xây dựng trung tâm điều hành và giám sát đô thị, hệ thống camera giám sát, hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý đô thị ban đầu, hệ thống cảnh báo ngập lụt. Quy hoạch các khu đô thị mới theo hướng sinh thái và ứng dụng quản lý đô thị thông minh. |
Theo QNO