Sáp nhập Tam Kỳ – Phú Ninh – Núi Thành: Chạm tay vào khát vọng đô thị loại 1

Để góp phần hiện thực hóa mục tiêu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030, Quảng Nam đang đặt quyết tâm lớn về việc hình thành đô thị loại 1 trên nền tảng sáp nhập Tam Kỳ – Phú Ninh – Núi Thành.

Nghiên cứu phương án toàn diện nhất

Năm 2021, Tỉnh ủy Quảng Nam đã ban hành Nghị quyết số 08 về xây dựng và phát triển đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh trên cơ sở lấy hạt nhân là đô thị tỉnh lỵ Tam Kỳ, mở rộng không gian về phía nam và phía tây.

Bí thư Thành ủy Tam Kỳ Trần Nam Hưng cho hay: “Để riêng TP.Tam Kỳ thì dù có đầu tư đến mấy, có quyết tâm chính trị đến mấy đi chăng nữa cũng không thể trở thành đô thị loại 1 được. Nhập lại ở đây không phải là câu chuyện nhập địa giới hành chính mà là để đủ điều kiện hình thành được một đô thị động lực của tỉnh và cả vùng”.

Xét về mặt lịch sử, cả 3 địa phương Tam Kỳ – Phú Ninh – Núi Thành đều thuộc phủ Tam Kỳ xưa. Vào năm 1975, khi đất nước thống nhất, 3 địa phương này cũng được sáp nhập thành huyện Tam Kỳ (thuộc tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng cũ). Năm 1983 thành lập mới thị xã Tam Kỳ và huyện Núi Thành. Đến năm 2005 thì điều chỉnh địa giới thị xã Tam Kỳ và thành lập huyện Phú Ninh.

Các phương án về địa giới hành chính khi sáp nhập đang được cân nhắc. Phương án chính thức chưa được “chốt”. Dù vậy, phương án sáp nhập toàn bộ diện tích của cả 3 địa phương được đánh giá là tương đối trọn vẹn nhất dù trước mắt sẽ kéo lùi nhiều tiêu chí như trình độ phát triển hạ tầng – kiến trúc cảnh quan, mật độ dân số toàn đô thị, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang cho hay: “Phương án này có tính toàn diện, phù hợp với yêu cầu phát triển mới lẫn bối cảnh truyền thống, lịch sử của 3 địa phương. Ngay từ bây giờ cần định hình các dự án động lực để tạo thành vùng động lực, thu hút thêm dự án đô thị, rà soát lại đầu tư công”.

Ông Vũ Văn Thẩm – Bí thư Huyện ủy Phú Ninh cho rằng, chủ trương này hoàn toàn đúng đắn và cần khẩn trương làm. Thời gian đầu khi nhập lại chúng ta chấp nhận lùi xuống nhưng lùi xuống mới có bước đà để phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh đó, ngay từ bây giờ tỉnh cần định hướng rõ ràng trong việc đầu tư, phát triển trên tinh thần hướng đến đô thị loại 1 nếu không sau này sẽ rất khó làm.

Lộ trình cho tương lai

Để hình thành đô thị loại 1 trên cơ sở sáp nhập Tam Kỳ – Phú Ninh – Núi Thành, cơ quan chức năng sẽ tiến hành song song việc lập quy hoạch xây dựng đô thị loại 1 và đề án điều chỉnh, sáp nhập địa giới hành chính mới.

Theo Sở Xây dựng, cần thống nhất chủ trương địa giới hành chính đô thị mới và hoàn thành thủ tục liên quan để cấp thẩm quyền phê duyệt hoàn thành trong năm 2024. Để đến năm 2025 khi tổ chức đại hội đảng bộ nhiệm kỳ mới thì 3 địa phương chỉ còn 1 đơn vị hành chính.

Dự kiến nếu đúng lộ trình, giai đoạn 2026 – 2030, cơ quan chức năng sẽ lập đồ án quy hoạch chung đô thị loại 1 và lập chương trình phát triển đô thị loại 1 của tỉnh. Cũng trong giai đoạn này, tiếp tục đầu tư các vùng động lực và không gian kết nối để khoảng cuối năm 2029 khi đủ điều kiện, Quảng Nam sẽ lập đề án công nhận đô thị loại 1 thuộc tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang nhận định, qua tham khảo từ một số mô hình trên cả nước, việc sáp nhập Tam Kỳ – Phú Ninh – Núi Thành cần tránh làm theo kiểu nhập cơ học, nếu không sẽ gặp nhiều vướng mắc trong công tác quản lý hành chính.

Ủy viên Trung ương Đảng – Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường nói, việc đầu tư hạ tầng giao thông, dự án phát triển kinh tế – xã hội ở 3 địa phương vẫn tiếp tục tiến hành bình thường nhưng phải có tính toán, nếu cần thì điều chỉnh để tương xứng khi trở thành đô thị loại 1.

Về lộ trình, Sở Nội vụ cần sớm dự thảo đề cương sơ bộ để nhập 3 địa phương. Từ nay đến cuối năm 2022, toàn bộ thủ tục hành chính phải cố gắng hoàn thành để HĐND tỉnh họp thông qua. Sau đó, cố gắng giữa năm 2023 trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc sáp nhập.

Đối chiếu với quy định về đô thị loại 1 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì TP.Tam Kỳ hiện nay còn 12/59 tiêu chí chưa đạt. Về diện tích tự nhiên, Tam Kỳ chỉ có 93km2 (quy định từ 150km2 trở lên). Quy mô dân số toàn đô thị rất thấp, mới khoảng 150 nghìn người (quy định từ 500 nghìn người trở lên, trong đó dân số nội thị đạt từ 200 nghìn người trở lên). Thu nhập bình quân đầu người còn thấp, mới chỉ đạt 1,4 lần so với bình quân cả nước (yêu cầu tối thiểu phải đạt 1,75 lần).

Theo QNO

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *